Trang chủ / Tài liệu chuyên môn

BÁO CÁO CASE LÂM SÀNG VIÊM MÀNG NÃO DO EPSTEIN- BARR VIRUS

09/06/2023 (GMT+7)
Epstein- Barr virus (EBV) hay còn gọi là HSV-4, là 1 trong 8 loại virus thuộc họ Herpesviridae và là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người. Khoảng trên 90% người trưởng thành đã từng nhiễm EBV và có kháng thể chống lại virus này. Sau nhiễm EBV, virus sẽ trú ngụ trong cơ thể người ở trạng thái không hoạt động và có thể tái kích hoạt và gây ra triệu chứng trong một số trường hợp như suy giảm miễn dịch, thời kỳ mãn kinh hoặc thay đổi nội tiết tố …

TỔNG QUAN

   Bệnh do EBV lây truyền qua nước bọt (qua ho, hắt hơi, hôn nhau..) nên còn gọi là bệnh của nụ hôn (the kissing disease), ngoài ra bệnh có thể lây lan qua đường máu và tinh dịch khi quan hệ tình dục, truyền máu và ghép tạng.

   Nhiễm EBV gây tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư hiếm gặp do các đột biến trong các tế bào nhiễm EBV như K vòm họng, Burkitt’s lymphoma, U lympho Hogkin, K biểu mô tuyến dạ dày,.. Ngoài ra EBV có thể liên quan đến 1 số bệnh khác, bao gồm các rối loạn tự miễn như Lupus ban đỏ, Viêm khớp dạng thấp và Tâm thần phân liệt.

   EBV là tác nhân phổ biến nhất gây nên bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn với các triệu chứng không đặc hiệu như sốt, viêm họng, hạch to, lách to,.. Bệnh thường tự giới hạn song các biến chứng có thể trở nên nguy kịch như Viêm não màng não, hội chứng Guillain Barre, vỡ lách, giảm bạch cầu hạt, tắc nghẽn đường thở trên,…

BÁO CÁO CASE LÂM SÀNG

   EBV có thể gây nên các biến chứng của hệ thần kinh trung ương khác nhau bao gồm: Viêm não, Viêm màng não, Viêm tiểu não, Viêm não tủy lan tỏa cấp tính, Viêm tủy ngang và bệnh lý rễ thần kinh. Trong báo cáo này, chúng tôi xin trình bày 1 case lâm sàng Viêm màng não do EBV đã được điều trị tại khoa Truyền Nhiễm- BVĐK tỉnh Hải Dương.

   Bệnh nhân nam 55 tuổi có tiền sử Xơ gan, uống rượu khoảng 150 ml/ ngày. Bệnh nhân ở nhà sốt ngày thứ 2 nhập viện khoa Truyền Nhiễm ngày 3/2/2023 trong tình trạng tỉnh táo, huyết động ổn định, sốt cơn, không đau đầu,  công thức máu có BC mono 0.46 G/l, chiếm 3.8%, CRP 220 mg/l được chỉ định điều trị phối hợp kháng sinh Bacsulfo + Levofloxacin.

   Ngày 5/2, bệnh nhân đột ngột xuất hiện sốt rét run, khó thở, thở rít, sau đó xuất hiện giật 5 cơn liên tiếp, mỗi cơn 15-30s, cách nhau 5-10 phút, sau giật bệnh nhân tiếp xúc chậm (an thần), nói nhảm, liệt ½ người trái, CT sọ não bình thường, được điều trị theo hướng Đột quỵ não.

   Ngày 7/2, tình trạng liệt ½ người trái cải thiện dần, còn sốt cơn, sốt nóng, MRI sọ não có nốt tín hiệu máu đỉnh phải chưa loại trừ Carvenoma. Bệnh nhân được chỉ định chọc dịch não tủy ra dịch vàng nhạt, áp lực tăng nhẹ, BC 340 tế bào, ĐNTT chiếm 85%, BC Lympho chiếm 15%, Glucose 1.8 mmol/l; Protein 1.95 g/l, PCR dịch não tủy âm tính với Lao. Chẩn đoán Viêm màng não nhiễm khuẩn và điều trị kháng sinh Ceftriaxone + Ampicillin, Methylprednisolon tĩnh mạch, chống phù não.

    Điều trị 5 ngày không hết sốt, chuyển dùng Meropenem và chọc dịch não tủy lần 2 ra dịch màu vàng nhạt, BC 40 TB, ĐNTT chiếm 70%, BC Lympho chiếm 30%, Glucose 6.98 mmol/l, Protein 2.863 g/l, nuôi cấy không mọc vi khuẩn, PCR dương tính với EBV và Âm tính với các loại virus khác được sàng lọc (HSV 1 và 2, VZV, CMV, HHV 6 và 7), PCR dịch não tủy lần 2 âm tính với Lao. Bệnh nhân được chuyển lên BV Nhiệt đới TW tiếp tục điều trị và khỏi bệnh, ra viện.

BÀN LUẬN

   Bệnh nhân trong báo cáo này có tiền sử Xơ gan rượu, điều này phù hợp với các nghiên cứu trước đó cho rằng Viêm màng não do EBV thường xảy ra ở các bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu (1). Ở người trưởng thành, hầu hết các bệnh nhân Viêm màng não là hậu quả của sự tái nhiễm EBV. Việc kích hoạt lại virus EBV có thể xảy ra thông qua việc thiết lập tình trạng nhiễm EBV dai dẳng trong các tế bào lympho B sau khi bị nhiễm lần đầu, quá trình này có thể xảy ra theo 2 cách trong hệ thần kinh trung ương là kích hoạt từ các nang bạch huyết bất thường hoặc cấy ghép vào dịch não tủy từ các tế bào lympho B bị nhiễm tiềm ẩn (2). Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có nồng độ kháng thể EBV trong máu tăng cao do số lượng lớn tế bào lympho B bị nhiễm, nếu sự tái kích hoạt xảy ra trong máu, hàng rào máu- dịch não tủy bị tổn thương có thể cho virus tự do xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương (3) .Tuy nhiên, có một số báo cáo Viêm màng não do EBV xảy ra ở bệnh nhân có hệ miễn dịch hoàn toàn khỏe mạnh.

   Bệnh nhân có các triệu chứng của Viêm màng não: Sốt cao, co giật, tinh thần kích thích hoặc lơ mơ,.. Biểu hiện của hội chứng màng não (đau đầu, cứng gáy, dấu Kernig) được ghi nhận không rõ ràng. Liệt ½ người trái ở bệnh nhân này được cải thiện hoàn toàn trong vòng 2 ngày cũng cần được xem xét rằng triệu chứng này là biểu hiện của Viêm màng não do EBV hay là liệt Todd xuất hiện sau co giật.

   Viêm màng não do EBV có thể biểu hiện đồng thời với bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng trong giai đoạn cấp tính hoặc xuất hiện muộn sau giai đoạn phục hồi của bệnh. Trường hợp này bệnh nhân kể khoảng 4 tuần trước có biểu hiện sốt nhẹ, sưng đau họng, BN không điều trị gì, và sau khoảng 5 ngày, các triệu chứng thoái lui hết. Điều này càng củng cố cho giả thuyết.

   Phân tích kết quả dịch não tủy cho thấy các đặc điểm nổi bật: PCR dương tính với DNA EBV, bất thường dịch não tủy (tăng bạch cầu dai dẳng, tăng lượng Protein và giảm lượng đường) (4). Trong báo cáo của Weeks và cộng sự, các phân tích dịch não tủy cho thấy tình trạng tăng tế bào màng phổi tái phát, Protein tăng cao liên tục và PCR DNA EBV dương tính, tương tự như trong trường hợp của chúng tôi. Màu vàng nhạt của dịch não tủy trong cả 2 lần chọc dịch cũng đáng lưu ý.

KẾT LUẬN

   Dựa trên case lâm sàng được báo cáo trên chúng tôi nhận thấy rằng Viêm não màng não do EBV thường không có các triệu chứng chỉ điểm, chẩn đoán chỉ xác định khi xét nghiệm PCR dịch não tủy dương tính với EBV.

                    Ths Nguyễn Khắc Thái, Bs Nguyễn Thị Thu Hương

 

Tài liệu tham khảo

(1)  Weinberg A, Li S, Palmer M, Tyler KL: PCR CSF định lượng trong nhiễm EBV của hệ thống thần kinh trung ương

(2)  Kleines et al., 2011 ; Kelly et al., 2012

(3)  Nan Zhang, Yuxin Zuo, Liping Jiang, Yu Peng, 2021 : Virus Epstein- Barr và các bệnh thần kinh

(4)  A. Kumar, Z.Rahman, V. Mathew, M. Alexander, 2012 : Viêm màng não mạn tính và bệnh mạch máu hệ thần kinh trung ương liên quan đến EBV

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tài liệu chuyên môn
Bài viết mới nhất
26/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Thư mời chào giá dịch vụ "Quan trắc, đánh giá môi trường lao động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương năm 2024"
21/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 20/03/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức Họp hội đồng người bệnh cấp Bệnh viện với thành phần tham dự bao gồm: TS.BS Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện; Phòng Công tác xã hội; Phòng Điều Dưỡng; Phòng Kế hoạch tổng hợp; Điều dưỡng trưởng các Khoa lâm sàng và 50 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân là đại diện của các bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện.
07/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Ngày 06/3/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chính thức ký kết hợp tác chuyên môn toàn diện năm 2024
04/03/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương có nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá các vị thuốc Y học cổ truyền, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu về việc xem xét đề xuất phương án cung ứng các bị thuốc Y học cổ truyền sử dụng trong khám chữa bệnh.
19/02/2024 / benhviendakhoatinhhaiduong
Sáng 15/02/2024, Thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo bệnh viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tổ chức Chương trình chúc Tết cán bộ, viên chức, người lao động nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Tin đã đăng
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
 Địa chỉ : 225 - Nguyễn Lương Bằng -TP Hải Dương - Tỉnh Hải Dương
Điện thoại :(03203)890 205
Email: benhviendakhoatinhhaiduong@gmail.com
logo.png ® BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG
Hết lòng phục vụ người bệnh và hành động vì sức khỏe cộng đồng


BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HẢI DƯƠNG giữ bản quyền nội dung cho website này. Nghiêm cấm mọi sao chép bài viết mà không được sự đồng ý của tác giả.